HÀ TỘC - HỘI ĐỒNG HỌ HÀ VIỆT NAM
0983699386

Hà Văn Mao và dòng họ quan lang Hà Công ở Bá Thước

Con trưởng Hà Công Quỳnh đã theo cha vào Huế chầu vua Minh Mệnh, rồi lại bệ kiến nhà vua ở trấn Thanh Hoá. Cha chết, nhà vua cho Hà Công Quỳnh là chánh trưởng chi, thượng đạo Thanh Hoa trật tòng tứ phẩm, theo trấn sai phái. Như vậy Quỳnh ...

Con trưởng Hà Công Quỳnh đã theo cha vào Huế chầu vua Minh Mệnh, rồi lại bệ kiến nhà vua ở trấn Thanh Hoá. Cha chết, nhà vua cho Hà Công Quỳnh là chánh trưởng chi, thượng đạo Thanh Hoa trật tòng tứ phẩm, theo trấn sai phái. Như vậy Quỳnh không được nối chức cha, lãnh địa của Hộ quận công không còn là lãnh địa riêng mà thuộc về trấn quản lý. Khi trấn thần xin cho Quỳnh nối chức cha, vua không cho mà dụ rằng: “Xưa Hà Công Thái có công trung hưng cho nên sai quản lĩnh thượng đạo, cho được tuỳ nghi xử trí. Nay Thái đã chết, trẫm cho con là Quỳnh làm chánh trưởng chi để giữ đất của mình cùng đủ đền công lao của cha rồi, vả tài của Quỳnh không bằng Thái tất không thể khiến dân tình phục mà lại muốn nối hưởng đất đai của cha được sao? Nên triệu hết tù trưởng các sách mà tuyên bảo đức ý của triều đình, khiến cho biết ngày nay đã thuộc về trấn, các việc đều được đạt lên. Việc quan hôn tang tế thì cứ cho theo phong tục; việc kiện cáo thì có luật nhà nước. Nhân chọn lấy người dân chúng vẫn phục tâu xin cho chia nhau mà cai trị dân. Đó là việc biên cương quan trọng, phải xếp đạt cho khéo, chớ để lầm lỡ” (1).

Tháng 11 năm Quý Mùi (1823), Phó trưởng chi thượng đạo Thanh Hoa là Hà Công Quỳnh và Cai cơ là Phạm Thúc Nho (con nuôi Công Thái) tâu xin đến kinh yết kiến. Vua cho. Khi đến, vua cho mỗi người một cặp áp, yên ủi dụ rằng: “Cha các người là Công Thái là trưởng quan một đạo, danh vị không nhỏ, thế mà bị kẻ thù nó hại, cái cách tự vệ sao mà sơ hở thế! Nhưng cũng là số mệnh thôi. Vả cha ngươi trung thành mà bất đắc kỳ tử lại là điều trẫm không hiểu, nên khi nghe tin trẫm rất thương tiếc, lập tức sai quan sở tại xét hỏi rất nghiêm. May mà bắt được tội nhân, không những cha các ngươi ở dưới đất cũng được thân oan, mà bọn ngươi cũng cởi mở được mối hận không bờ bến. Nay bọn ngươi tuy chưa được quản hạt các tù trưởng như cha, nhưng cũng có phần đất đai, đều nên giữ gìn, trên theo đức ý triều đình mà tuyên dụ cho các sách man thượng đạo, khiến chúng tự yên họp, chớ làm bậy mà mắc tội lệ, như thế thì bọn ngươi không làm mất thanh danh của cha khi còn sống” (2).

Phạm Thúc Nho được cha nuôi cho ăn đất ở vùng Ngọc Lặc ngày nay, hậu duệ là Phạm Thúc Tiêu làm tri châu Ngọc Lặc, sau năm 1945 là đại biểu Quốc hội, Chủ tịch UBKCHC miền tây Thanh Hoá.

Hà Công Quỳnh tính nết hiền hoà là con quân công nhưng không được hưởng chế độ tập ấm. Hơn nữa ông đã chứng kiến cảnh chết thảm của cha nên đành ôm hận “an phận thủ thường” với chức thổ ty Mường Khô cho tới khi qua đời.

Các người em của Hà Công Quỳnh là Hà Công Dân, Hà Công Đức, Hà Công Hồ sau này lại nổi lên chống triều đình Nguyễn. Đức bị giam ở Nghệ An, sau có người họ là Hà Công Dung bảo lãnh được ra tù đới tội lập công.

Đến đời thứ ba lại xuất hiện một nhân vật nổi tiếng là Hà Văn Mao (1840 – 1887). Hà Văn Mao là con của Hà Công Quỳnh, như vậy là cháu đích tôn của Hộ quận công Hà Công Thái. Nhưng theo một nhà nghiên cứu ở địa phương thì Hà Công Thái có con là Hà Công Thuỷ, Công Thuỷ sinh ra Hà Công Quang; Công Quang sinh ra Hà Công Chấn; Công Chấn sinh ra Hà Công Mao (Hà Văn Mao).

Hà Văn Mao từng giữ chức cai tổng Điền Lư. Năm 1885 khi thực dân Pháp mở rộng chiến trường ra Thanh Hoá, ông đã kêu gọi tập hợp nghĩa binh và trở thành thủ lĩnh khởi nghĩa năm 1886, đáp lời kêu gọi “Phụng chiếu Cần Vương đánh Pháp”, ông tiếp tục mở rộng địa bàn hoạt động. Trong cuộc gặp Tôn Thất Thuyết (Nhà lãnh đạo phe kháng chiến trong triều đình Huế) và những người cầm đầu phong trào ở Thanh Hoá, ông được phong chức Tán lý quân vụ phụ trách phong trào ở miền núi.

Ông cùng các nhà lãnh đạo phong trào Cần Vương ở Thanh Hoá như Trần Xuân Soạn, Phạm Bành, Đinh Công Tráng… đã xây dựng nhiều căn cứ quân sự và mặc nhiên thành những người lãnh đạo chủ chốt của phong trào Cần Vương trên địa bàn.

Nói đến Hà Văn Mao, trước hết là nói đến một con người yêu nước, thương dân và căm thù giặc sâu sắc. Ông đã để lại một tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân, luôn luôn được người đời nhắc đến và ca tụng. Không cam tâm làm tay sai cho giặc như nhiều quan lại phong kiến đương thời, mà vượt lên tất cả, ông quyết không đội trời chung với kẻ thù. Từ một cai tổng, ông trở thành một thủ lĩnh đầy tâm huyết của cuộc khởi nghĩa.

Khi giặc Pháp đặt chân lên đất Thanh Hoá, không hoảng sợ đầu hàng như nhiều quan lại phong kiến khác; Hà Văn Mao đã biết nhìn xa trông rộng, kêu gọi tập hợp nghĩa binh đào hào đắp luỹ chuẩn bị đánh giặc. Trong cuộc hành quân bình định lên miền núi Thanh Hoá năm 1885, thực dân Pháp đã vấp phải sự kháng cự mãnh liệt, nghĩa quân của Hà Văn Mao đã gây cho chúng tổn thất khá nặng nề. Đây cũng là cuộc kháng chiến nổ ra sớm nhất mở đầu cho phong trào đấu tranh vũ trang chống thực dân Pháp của nhân dân Thanh Hoá.

Nghĩa quân Hà Văn Mao ngày càng lớn mạnh, nhân dân khắp vùng nghe tin ông ở đâu là tổ chức quyên góp lương thực và gửi con em theo ông kháng chiến. Địa bàn của ông không cố định, không bó hẹp trong địa bàn miền núi, mà luôn luôn được mở rộng tới “chỗ nào có giặc là nơi đó có chiến trường”. Ông luôn phối hợp với các đội nghĩa binh trong tỉnh, phối hợp với các lãnh tụ của phong trào Cần Vương và các nhà lãnh đạo phong trào ở Thanh Hoá để tạo ra một thế trận liên hoàn. Vì vậy, bằng vai trò và sự cống hiến của mình, Hà Văn Mao đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của phong trào Cần Vương ở Thanh Hoá, góp phần đưa Thanh Hoá trở thành một ngọn cờ, một địa phương có phong trào chống Pháp khá mạnh trong cả nước, góp phần quan trọng làm lung lay nền thống trị của thực dân Pháp trên đất nước Việt Nam.

Ông nằm lại trên một quả đồi mà ngày nay là nơi đặt trường PTTH Hà Văn Mao. Khi tương quan lực lượng không còn đủ sức tiếp tục cuộc kháng chiến, ông tìm đến cái chết để khỏi rơi vào tay giặc vào một đêm không trăng sao, ông dùng súng kíp tự kết liễu đời mình.

Hà Văn Mao có người con trai tài giỏi và dũng mãnh là Hà Triều Nguyệt (1872 – 1941). Khi cha mất, Hà Triệu Nguyệt mới 15 tuổi phải theo gia đình sống nhờ Cầm Bá Thước. Theo lời kể lại thì ít lâu sau ông sang Trung Quốc cùng với người vợ bé của Hà Văn Mao. Ở Trung Quốc mấy năm được học hành chu đáo, càng thấy nỗi nhục của người dân mất nước, trong lòng vẫn mang nặng mối thù đế quốc mà cha truyền lại, năm 1899 Triều Nguyệt trở về Yên Thế theo nghĩa quân Đề Thám nhưng chẳng bao lâu chiến khu Đề Thám vỡ, ông bị kết án 30 năm tù, lưu đày ở Guyane (một thuộc địa của Pháp ở Nam Mỹ). Trong tù, Triều Nguyệt ôn luyện vốn Hán học, học chữ Pháp, tập võ nghệ. Năm 1915, ông được đưa về an trí ở Huế. Người PHáp thấy không thể dẹp được ý chí của ông nên tìm cách lợi dụng để yên lòng dân thiểu số. Vua Khải Định phong cho ông tước lãnh binh, là lãnh binh nhưng không có quân lính. Uy tín của Hà Triều Nguyệt rất lớn, người Pháp phải chia châu Quan Hoá thành 2 châu, lập châu Tân Hoá và giao cho ông làm tri châu. Nhận thức tri châu từ năm 1925, ông giao du rộng rãi, làm thơ, đánh cờ nhưng vẫn không nguôi chí lớn. Khi ông qua đời (1941) người Pháp cũng giải thể châu Tân Hoá. Triều Nguyệt chết, người Pháp như trút được gánh nặng.

Khi Triều Nguyệt còn sống, dân vùng Chàng Lang đã thờ ông làm thành hoàng sống của làng. Hàng năm đến ngày sinh của ông dân làng mở hội. Ông ngồi trên bè gỗ, đem theo ngựa vẽ đình làng để dân tế sống, lễ vật là một vò rượu, một thủ lợn và mâm xôi. Dân cúng xong ông dùng hết các lễ vật, ngủ 3 ngày rồi cưỡi ngựa trở về nhà.

Hà Triều Nguyệt còn có 2 con là Hà Công Thắng và Hà Công Dụ. Trong thời gian ở Guyane, Triều Nguyệt còn có một con là Yvone. Yvone lấy chồng là một võ quan Pháp (cách đây mấy năm vẫn còn sống ở Mỹ và đã gần 100 tuổi).

Con trai đầu của lãnh Nguyệt là Hà Công Thắng. Ông là người bất trị, coi thường tất cả, chống cả ta lẫn Pháp. Sau cách mạng tháng Tám, Thắng được giao chỉ huy dân quân ở huyện miền núi Thanh Hoá nhưng rồi lại phản bội Cách mạng chạy vào vùng Pháp tạm chiếm và chét vì bệnh dạ dày.

Hà Công Thắng có 2 người con là Hà Công Minh và Hà Công Lạng.

Hà Công Minh là con trai đầu của Hà Công Thắng được Mặt trận Việt Minh Cẩm Thuỷ đưa vào trường Thiếu sinh quân ăn học tới khi khôn lớn. Sau cải cách ruộng đất, Hà Công Mình cùng một số người ở Mường Điền và Mường Cổ Lũng vượt biên sang Lào rồi vào Nam theo Ngô Đình Diệm. Hiện ông Minh sống ở Mỹ và thường xuyên có thư từ về quê nhà.

Hà Công Lạng là con thứ của Hà Công Thắng làm công nhân ở Nông trường Thống Nhất. Hiện nay đã nghỉ hưu cùng vợ con sinh sống tại Cẩm Sơn, huyện Cẩm Thuỷ.

Hà Công Lạng có con trai là Hà Công Tuấn hiện ở quê nhà (xã Điền Lư, huyện Bá Thước). Hà Công Tuấn có con gái là Hà Thị Lư đang học đại học. Điểm lại đôi nét về dòng họ Hà Công của những danh nhân Hà Công Thái, Hà Văn Mao và lớp hậu duệ, ánh sáng và bóng tối chen nhau. Song nổi bật là những đóng góp của các thế hệ với quá trình phát triển của đất nước. Có một điều lạ là Hồ quận công Hà Công Thái dòng họ ít người phát đinh. Đến nay chỉ có người gia đình. Mấy chục năm nay lại mới có người vào đại học.

Hơn 200 năm từ ngày Hà Công Thái theo Nguyễn Ánh trung hưng vương triều Nguyễn rồi cháu nội là Hà Văn Mao, Hà Triều Nguyệt đánh Pháp, núi rừng Bá Thước luôn biến động, hơn nửa thế kỷ nay yên ổn làm ăn.

Con sông Mã chảy từ đầu đến cuối huyện, mùa hè luôn tràn thác lũ, đông về lạnh lẽo co ro, chứng kiến những đổi thay của núi rừng, bản làng.

Chú thích:

1. Đại Nam thực lục, T.2 Nxb Giáo dục, 2004, tr 220.

2. Sđd, tr 318.

Theo Vusta

Các tin khác

Mái nhà chung của họ Hà xứ Thanh

Với tôn chỉ, mục đích hoạt động: Đoàn kết trách nhiệm, dân chủ, bình đẳng, tin cậy, sẻ chia giúp đỡ ...