Chùa Bảo Ninh Sùng Phú
Suốt 13 năm đầu đời, Pờ Dần Sinh không biết bên ngoài những lớp núi bao quanh bản mình có gì. Thế giới của cậu bé dân tộc Hà Nhì ở bản Sín Thầu, cực tây tỉnh Điện Biên những năm 1970, nơm nớp trong nỗi sợ đói ăn, sợ mất mạng vì súng đạn của thổ phỉ.
Nhưng hành trình bắt đầu từ một sớm dày sương cuối tháng 12/1971 đã thay đổi cuộc đời Sinh, tên tuổi một gia tộc và sinh mệnh cả một vùng đất. Sinh và người anh thương binh đưa nhau đi học với hành trang là ba con cá khô, vài vốc gạo, một con dao đi rừng. Họ băng rừng suốt năm ngày, bám theo tiếng suối chảy và dấu chân người đi trước, đói đâu nghỉ đó, chặt ống tre đổ gạo nấu cơm, nhớ kỹ lời bố dặn, tay luôn cầm sẵn dao.
Hôm nay nhìn lại cuộc đời ở tuổi ngoài 60, ông Pờ Dần Sinh đúc kết, con đường đeo đuổi tri thức của ông luôn là một cuộc chiến đấu sống còn, cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Ông Sinh là con thứ sáu trong gia đình 11 anh chị em, có bố là ông Pờ Pó Chừ, một trong năm Đảng viên người Hà Nhì đầu tiên của xã Sín Thầu. Cậu bé Sinh lớn lên quen với hình ảnh nhà lúc nào cũng đầy bộ đội miền xuôi lên ăn ngủ, họp hành. Người Hà Nhì khi đó tuyệt nhiên chưa ai nói tiếng Kinh, ông Chừ thời trẻ theo Việt Minh đánh phỉ, nuôi giấu cán bộ, cũng dần dà học được đôi ba câu, nhưng bảo viết chữ thì chịu.
Ngày cày ruộng, tối ôm đuốc đi học ở tuổi 50, cán bộ xã Pờ Pó Chừ một đêm tan học về nhà vò đầu nói với đàn con. "Phải đợi chúng bay thôi. Không biết chữ không làm cách mạng được". Ông Chừ đã không phải đợi lâu để đến ngày được thấy các con thực hiện mong mỏi của mình.
Ông Pờ Dần Sinh trước trang trại gia đình
Những năm 1960, các lớp học tiếng phổ thông cho học sinh ở 5 xã Mường Toong, Mường Nhé, Sín Thầu, Chung Chải, Tà Toòng bắt đầu được mở ở trung tâm huyện, cách 70 cây số. Các thầy giáo miền xuôi xuyên rừng vào từng bản thuyết phục phụ huynh cho con cái đi học, mở đầu cho phong trào "vận động trẻ dân tộc thiểu số đến trường", còn duy trì đến tận những năm nay.
Bốn năm tiểu học rút còn hai, nhưng các gia đình Hà Nhì ở Sín Thầu còn e ngại, không chỉ bởi đường sá hiểm trở xa xôi, mà mỗi đứa trẻ còn là một lao động. Các con ông Chừ may mắn có người cha tư tưởng tiến bộ, nhưng mỗi lần chỉ từng đứa được thay nhau đến trường, còn lại vẫn phải ở nhà để phụ giúp gia đình. Kết thúc hai năm học, thằng anh về nhà, em kế tiếp mới bắt đầu được đi.
Khi bốn người anh của ông Sinh lần lượt tốt nghiệp tiểu học, người đi bộ đội, người về công tác tại xã, tại huyện, ông Sinh phải đợi đến năm 13 tuổi mới đến lượt mình. Nhưng đúng lúc nhà neo người, ông Chờ ướm ý con: "Các anh đi chiến trường, đi công tác, bố mẹ già mà các em bé, hay con đừng đi học nữa". Cậu bé Sinh chưng hửng, nghĩ tủi thân nhưng không cãi, chỉ ra sau rào khóc.
Năm ấy, anh trai thứ hai, Pờ Gia Tự, thương binh chiến trường Lào, về nhà ăn Tết, biết chuyện nên nhất định thuyết phục. "Bố ngày xưa chẳng bảo, không biết chữ không làm cách mạng được, sao giờ nỡ bảo em nó nghỉ". Cậu bé Sinh tiến lại ôm tay ông Chừ, nài: "Con xin đi đúng 2 năm, rồi lại về phụ mẹ đập thóc, chăn trâu, kéo cày". Ông Chừ đành chấp nhận, nhưng không ngờ, đã phải đợi con đi học tới gần 10 năm.
Nhớ lại tuổi trẻ đã qua nửa thế kỷ, ông Sinh cười khà, nói thật: "Ngày ấy tôi sốt ruột đi học, đúng chỉ vì tò mò thôi, chứ chưa có lý tưởng to tát là làm gì đâu". Cậu bé Hà Nhì đã bước ra ngoài những rặng núi quê mình để đến trường, chỉ với niềm háo hức ngây thơ ấy.
Nhưng chỉ sự háo hức chưa đủ để Sinh trở thành cậu bé Hà Nhì đầu tiên ở 5 xã cực tây Tổ quốc, học hết 10 năm học phổ thông. Trong buổi sớm cuối năm 1971, anh em Sinh không phải những người duy nhất "xé rừng tìm chữ". Năm học ấy ở Sín Thầu có 37 đứa trẻ được bố mẹ đưa xuống huyện, nhưng con số vơi dần sau mỗi kỳ nghỉ hè, nghỉ Tết.
Bố mẹ chúng bắt đầu sốt ruột vì trâu không người chăn, ruộng không người gặt, và các nhà cùng bản đã sắm sửa đủ đầy mà con cái họ không cần biết chữ.
Trong 37 đứa trẻ xuống trường năm xưa, chỉ có 5 người học tiếp cấp hai. Bạn bè đồng hương mỗi ngày một ít, Sinh nhớ nhà, mấy lần định bỏ nhưng thầy cô tiếc cậu trò sáng dạ, dỗ dành ở lại học tiếp bằng được.
Năm 1976, trường phổ thông vùng cao tỉnh Lai Châu thành lập, Sinh trở thành thế hệ học sinh đầu tiên của trường, cũng là thanh niên duy nhất của 5 xã biên giới Mường Nhé còn trụ lại. Đường từ Tuần Giáo về nhà xa gấp 4 lần, suốt 2 năm học, Sinh không về ăn Tết. Đến tận năm 1979, từ trung tâm huyện về nhà Sinh vẫn là một vùng đất bọc trong núi, không có đường xe chạy.
Cầm bằng tốt nghiệp xuất sắc với điểm số toán cao nhất khoá, năm 1979, cậu trò người Hà Nhì cùng lúc nhận được giấy gọi đi du học Tiệp Khắc, lời mời làm việc tại sở Lao động, sở Nông nghiệp tỉnh, phòng Công an, Viện kiểm sát và phòng Thương nghiệp huyện Mường Tè. Nhưng cũng đúng lúc ấy chiến tranh biên giới nổ ra ở phía Bắc.
Các anh trai ông Sinh đều đang công tác và trực chiến tại các đơn vị quanh huyện, ông Chừ ở tuổi 70, khuyên con về nhà "vì đại cuộc"."Xã mình ở nơi trọng yếu, dân thì sơ tán cả, việc trực chiến, thông tin liên lạc với trung ương, phải trông cậy cán bộ hiểu biết thông thuộc như mày con ạ", ông cụ nói.
Sinh gật đầu, gói lại 62 đồng lương của Viện kiểm sát huyện gửi kèm giấy gọi công tác, nhờ người mang gửi trả, cầm súng và bước vào cuộc chiến mới trong đời mình như thế.
Hôm nay ở tuổi 62, ông Sinh đã nghỉ hưu với chức vụ Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng uỷ xã Sín Thầu, thi thoảng tiếc nuối những dự định, mơ ước lớn hơn mà năm xưa mình phải gác lại. "Phí lắm, nhưng đó là thời cuộc. Không làm vậy, có khi cũng không làm nên sự nghiệp", ông nói.
Ông Pở Dần Sinh và các cháu
So với "thẩm phán Sinh", giám đốc" hay "giáo sư Sinh", ông Sinh bảo mãn nguyện nhất là được gọi là ông già Hà Nhì, cùng dân giữ bản, giữ đất qua cơn lửa đạn và cày cuốc với họ trong buổi hoà bình.
Người Sín Thầu hôm nay có những căn nhà mái ngói đỏ đầu tiên ở cực tây Tổ quốc, biết đào ao nuôi cá, trồng mắc ca tăng gia, chăn nuôi tập trung, khuyến khích con cái đến trường và ít người nghiện thuốc phiện huyện, cũng là công sức và niềm tự hào gần bốn chục năm của ông già Hà Nhì, Pờ Dần Sinh.
Khi ông Sinh và những người đàn ông khác của dòng họ Pờ sớm thành danh trên con đường học tập, trong cộng đồng của họ và xã hội nói chung, "đến trường" dường như vẫn là một đặc quyền của nam giới. Với họ Pờ thì không.
Pờ Mỳ Lế, sinh năm 1982, là con thứ ba trong gia đình sáu chị em gái. Bố Lế, anh trai thứ ba của ông Sinh cũng thuộc thế hệ những người Sín Thầu đầu tiên biết chữ, khuyến khích các con gái vượt ra ngoài những rặng núi quê hương.
Ngày ấy, chỗ chơi yêu thích của Lế là phòng khách nhà chú mình, nơi ông Sinh để la liệt những chồng sách, báo. Lế mở ra xem, chỉ phân biệt ngược xuôi nhờ vào ảnh chụp. "Cái này nói gì hả chú?". Đáp lại ánh mắt háo hức của cô cháu gái, ông Sinh cười bảo: "Đi học đi, sau về đọc cho chú và cả nhà nghe".
Năm 12 tuổi, Lế được chú viết hồ sơ xin học ở trung tâm huyện. Người dân xung quanh rỉ tai nhau "có một đứa con gái họ Pờ sắp đi học chữ", và không ngại buông lời ác ý "chẳng qua lười biếng, không muốn cày ruộng chăn trâu nên mới xin đi học".
Hai mươi ba năm sau hành trình vượt núi xuống trường của ông Sinh, năm 1994, cháu gái ông cũng bước trên chính con đường này. Mường Nhé khi ấy đã có đường đất, đi lại được một mùa, nhưng ngựa, xe không có, cô bé Hà Nhì vẫn cuốc bộ theo chú 5 ngày mới đến được trung tâm huyện.
Chị Lế hôm nay nhận mình không có khó khăn với việc học hành, bất chấp việc năm cô gái trong lớp thường xuyên trở thành mục tiêu công kích của những chàng trai cùng lứa. "Học dốt thì bị khinh, học giỏi thì "đằng nào chả lấy chồng".
Lần đầu học cách viết đoạn văn, Lế biên một lèo những lời ngô nghê gửi về cho bố mẹ, chẳng nhớ nổi nội dung. Lế khi ấy không biết, mẹ mình đã lưu giữ nhưng dòng nguệch ngoạc như món đồ quý báu, tối tối lại mở ra nhờ chồng đọc lại cho nghe.
Cái Tết đầu tiên về nhà, Lế cầm những tờ báo trên bàn chú Sinh, thực hiện lời hứa gần một năm trước. Mẹ Lế ngồi cạnh ngắm đứa con gái đầu tiên trong nhà biết đọc, biết viết, chỉ quay đi lau nước mắt vì mừng. Ước mơ của người đàn bà mù chữ gửi gắm vào con đã thành hiện thực. Nhưng Lế đã làm được nhiều thứ đầu tiên hơn là việc trở thành người phụ nữ Sín Thầu đầu tiên học hết lớp 9.
Bí thư Đảng uỷ xã Sín Thầu, Pờ Mỳ Lế, một trong những người phụ nữ đầu tiên trong vùng có bằng đại học.
Trở về quê sau từng ấy năm, niềm tự hào của Lế bỗng trở thành rào cản hôn nhân với những người đàn ông trong vùng. Họ ngại và không thích lấy vợ học cao. Trong tốp giáo viên miền xuôi khi ấy lên dạy học, có thầy giáo trẻ tò mò về cô gái học cao nhất vùng, lân la đến nhà chuyện trò, trao đổi sách vở rồi nên duyên. Cũng chính anh là người giục chị phải học lên cao nữa. "Lên tận đây dạy học anh còn làm được, nấu cơm rửa bát trông con cho em, với anh có là gì", nghe chồng nói, Lế biết, mình đã chọn đúng người.
Con vừa dứt sữa, năm 2009, Lế đăng ký học tiếp cấp ba tại Trung tâm giáo dục thường xuyên, địu cả con đi cùng. Ở nhà có mẹ, có chồng, nhưng Lế quyết cho con ra huyện đi nhà trẻ sớm, va chạm sớm để quen với tiếng phổ thông.
Trong mắt những người xung quanh, Lế lại thêm một lần làm chuyện ngược đời. Lần này, chị có thêm chồng ủng hộ tinh thần. Hai năm một mình trọ học, chăm con, khi Lế cầm tấm bằng tốt nghiệp phổ thông cũng là khi cậu con trai hát được những bài hát tiếng Kinh đầu tiên ở mẫu giáo.
Năm 2012, khi đang làm Chủ tịch mặt trận Tổ quốc xã Sín Thầu, chồng chị lần thứ hai giục vợ học tiếp. Ba năm theo học ngành tài chính ngân hàng của Đại học kinh tế quốc dân, cũng chính anh là người chi tiêu dè sẻn, dành lại đồng lương giáo viên ít ỏi thêm vào cho vợ xuống thành phố Điện Biên ở trọ, trả học phí. Năm 2015, Lế trở thành người đầu tiên trong xã có bằng đại học Kinh tế quốc dân, nhưng chị bảo, vẫn chưa có ý định dừng lại.
Bí thư Sín Thầu, Pờ Mỳ Lế hôm nay trở thành hình mẫu cho các cô bé Hà Nhì còn đang phân vân giữa việc ở nhà hay đi học. Nhắc về cuộc đấu tranh với những định kiến năm xưa, chị Lế mỉm cười nói giọng chân tình: "Mình chưa bao giờ coi đó là trở ngại. Đấy là động lực".
Theo Thanh Lam - VN Express