Tấm bia đá cổ nhất 6 tỉnh miền Bắc Việt nam là về họ Hà
Chiêm Hoá là một huyện miền núi ở phía đông bắc tỉnh Tuyên Quang. Thời Đinh - Lý - Trần - Lê gọi là châu Vị Long. Giai đoạn thuộc Minh đổi thành châu Đại Man; thời Nguyễn Minh Mệnh thứ 16 đặt thành Chiêm Hoá.Hai dòng họ Hà và họ ...
Nội dung
Chiêm Hoá là một huyện miền núi ở phía đông bắc tỉnh Tuyên Quang. Thời Đinh - Lý - Trần - Lê gọi là châu Vị Long. Giai đoạn thuộc Minh đổi thành châu Đại Man; thời Nguyễn Minh Mệnh thứ 16 đặt thành Chiêm Hoá.
Hai dòng họ Hà và họ Ma nối tiếp nhau cai quản qua nhiều thế kỷ. Nơi có cộng đồng nhiều dân tộc thiểu số sống hòa hợp từ lâu đời, đã tạo nên một truyền thống văn hoá có bản sắc riêng. Đây là vùng đất lam sơn thủy tú có vị thế quốc phòng quan trọng để lại dấu ấn không phai mờ trong sử sách. Các vương triều coi Tuyên Quang là vùng phên dậu thứ ba của đất nước và những vị tù trưởng được xem là “nanh vuốt” của triều đình. Trong các di sản còn lại phải kể đến bài văn bia chữ Hán được khắc trên một tấm bia đá cách đây vừa trọn 900 năm (1107-2007), nhan đề là Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi (văn bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc). Có thể xem đây là bảo vật văn hiến của đất nước, giúp thế hệ hậu sinh hiểu rõ hơn về tâm hồn tư tưởng của cha ông trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước hàng nghìn năm trước.
Năm 1961, nhân dân đã phát hiện tấm bia đá này ở chân núi Đan Hán, thuộc xã Yên Nguyên, phía tây nam huyện Chiêm Hoá, gần xã Bình Xa, huyện Hàm Yên. Văn bia đã được tác giả Đỗ Văn Hỷ dịch và hai tác giả Thạch Can, Văn Tân hiệu đính. Đây là một bản dịch hay, nhưng nếu có dịp đi sâu vào nguyên tác ta thấy còn tàng ẩn nhiều nghĩa lý sâu xa hơn nữa. Tác giả văn bia là Lý Thừa Ân (? - ?), quê quán chưa rõ, sống vào khoảng cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII. Ông làm quan đến chức Triều thỉnh đại phu, Đông thượng cáp môn hậu, Thượng thư viên ngoại lang. Năm Nhâm Tý (1132) được vua cử đi sứ nhà Tống. Văn bia này do tác giả soạn với sự chỉ đạo của quan Thái phó Hà Hưng Tông, cách đây vừa 9 thế kỷ.
Nội dung văn bia viết về Hà Hưng Tông và lược thuật về công đức của dòng tộc họ Hà qua 15 đời, cùng mối quan hệ mật thiết của họ với vương triều nhà Lý và công việc kiến thiết văn hoá của vị Thái phó này. Điều đáng chú ý nhan đề văn bia “Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi”, ngoài ý nghĩa định danh ngôi chùa còn tàng ẩn trong 4 chữ Bảo Ninh Sùng Phúc cái nghĩa lý sâu xa về đạo lý và nghĩa vụ với Tổ quốc, với vua cha của người lập chùa, tức là gìn giữ sự bình yên cho phúc cao, hoặc xa hơn có thể ngầm hiểu: Gìn giữ yên bình cho phúc lớn, cho vận nước. Mở đầu bài văn giới thiệu trọng trách và quyền lợi của Hà Hưng Tông: “Quan coi châu Vị Long, tước Phò Kỳ Lang, Đô tri tả vũ đệ đại tướng quân, kim tử quang lộc đại phu, kiểm hiệu thái phó, đồng trung thư môn hạ bình chương sự, kiêm quản nội khuyến nông sự, thượng trụ quốc; ăn lộc phong ấp ba nghìn chín trăm hộ, ăn lộc thực phong chín trăm hộ.” Tiếp theo là những quan niệm của đạo Phật và những triết lý từ Phật pháp như: chân không, diệu hữu, hữu hình, thực và quyền, thường - lạc, hồi hướng, sa giới, trúc càn vv… Sau đó là tiểu sử dòng tộc: Thái phó Hà Hưng Tông có thủy tổ từ châu Ung; cao tổ là Hà Đắc Trọng, sau tám đời dòng họ có hai đời được giữ hai chức vị lớn Thái bảo và Thái phó, nối đời hưng thịnh, cai quản 49 động, 15 huyện, giành được nhân hoà; người ông làm phò mã của Lý Công Uẩn được trao tước Hữu đại liêu ban. Rồi việc cha Hưng Tông lấy con Thái thú châu Phú Nghĩa họ Lý, sinh Hưng Tông là con thứ tư được nuôi dạy công phu. Sự kiện cha Hưng Tông “đem quân đánh sang ải Bắc, vây thành Ung Châu cho bõ giận; bắt tướng giặc dâng tù binh, được nhà vua thăng chức Hữu đại liêu ban đoàn luyện sử. Thuế thu chín lấy một, thóc lúa đầy kho, khách khứa ba nghìn, cửa nhà như chợ”. Qua đây cho thấy Hà Hưng Tông sinh ra trong một dòng tộc có thế lực lớn và quan hệ mật thiết với vương triều nhà Lý. Về lịch sử chắc hẳn Lý Thường Kiệt đã phối hợp với thân phụ của Hưng Tông chủ động đánh tan mưu đồ xâm lược của quân Nam Tống phía bên kia biên giới, đem lại thái bình cho đất nước.
Năm lên 10 tuổi, Hưng Tông được nhà vua đón về triều, rồi cho kết duyên với công chúa Khâm Thánh và phong cho chức Tả đại liêu ban. Khi Hưng Tông 14 tuổi (1082) “vua tiễn đưa công chúa về nhà chồng tại bản châu”, trong quang cảnh: “Nhà vua mở tiệc mừng long trọng. Thái phó sắm đủ lễ đón dâu. Mọi lễ trang hoàng, dân chúng xem đông như hội; trên ngôi cao qúy. Chị em phù đỡ như mây…”. Năm 17 tuổi, cha mẹ Hưng Tông đều mất. Năm 18 tuổi “nhà vua xuống chiếu cho Thái phó được nối chức cha, vẫn giữ chức cũ là Tả đại liêu ban, kiêm thêm chức Tri châu Vị Long châu thú tiết độ sứ, Kim tử Quang Lộc đại phu, kiêm hiệu Thái phó. Thế là được dự chính sự bắt đầu từ cụ tằng tổ, lần lượt thay nhau, cho đến Hưng Tông tất cả mười lăm đời. Ôi! Gặp thời thay!”. Rõ ràng đây là một vị thủ lĩnh giành được sự ưu ái tuyệt đối của vua cha.
Những suy nghĩ và việc làm của vị Thái phó này còn được diễn tả: “Dựng nước đường vua bằng phẳng; giáo hóa tục dân thấm nhuần. Hoặc việc nước có điều chưa trọn, thì suy đi nghĩ lại không thôi: Xét thói xưa có chỗ đáng tin, thì tạc dạ ghi lòng nào bỏ. Vườn văn rừng phú, sưu tập khắp nơi; cửa lễ đường nhân, dạo chơi đủ chốn. Điều “tín” là ở nơi bạn bè thì thiết tha ân cần; chữ “hiếu” là thờ cúng tổ tiên thì chăm chăm kính cẩn”. Qua đó cho thấy Hà Hưng Tông là một vị thủ lĩnh sáng suốt có tài trí, học vấn, quảng giao hào phóng và có nhân tâm, hội đủ các nhân tố: Thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Đồng thời ông cũng là một con người có tầm văn hoá, biết nhìn xa trông rộng, quan tâm sâu sắc tới cái thiện và cái đẹp muốn chia sẻ vinh hoa phú quí với muôn dân: “Ôi! Giữ điều vinh làm báu, sợ vui hết sinh buồn; mang trong túi hạt châu, e được rồi lại mất. Muốn hưởng phúc thuần, tất phải ham đạo Phật. Cho nên cuối mùa năm Đinh Hợi niên hiệu Long Phù Nguyên Hóa (1107), Thái phó dắt dẫn hương lão, xem xét ở góc quận, cắm miếng đất phía nam Hãn Lộc liền dải bắc Mẫu Cung, cùng đem rừu búa, phát xén rừng cây. Rồi sai thợ giỏi, xây dựng đền đài…” Hình tượng quang cảnh kiến thiết ngôi chùa Bảo Ninh Sùng Phúc được miêu tả sống động: “Đẽo gỗ rừng chan chát, chuyển quang sọt rộn ràng. Xà uốn cong cong, ngỡ cầu vồng bắc nhịp; mái hiên xòe cánh như chim chóc tung bay… Tượng vàng đặt giữa, khác nào Ngũ tịnh thiên. Hương trầm nghi ngút, bốc tới trời mây, chuông khánh hài hoà, vang xa hang động. Hoa thông tươi tốt, chiếm mãi gió từ; già trẻ quy y, bỏ xa nhà lửa.” Hình tượng ngôi chùa như một biểu tượng cao đẹp, thiêng liêng hạnh phúc giữa đại ngàn là nơi hội tụ lòng dân và sự sống tươi vui. Sau đó là lời chúc cho sự vững bền của vua cha rồi đến quận quân và tiên tổ.
Cuối bài văn là một bài từ hàm súc viết theo thể tứ tự, khái quát về quan niệm đạo Phật, ngợi ca công đức và truyền thống nhân ái của dòng tộc họ Hà trong lich sử và vị trí linh thiêng cao đẹp của nơi thờ vọng, bằng những câu sau:
“…Rằng xưa Phật tổ,
Dắt dạy quần sinh.
Không vương không mắc,
Có duyên có tình.
Chân tính sáng suốt,
Căn tuệ vững bền,
Ngói xanh lại lớp,
Cõi vàng rung lên.
Lớn thay họ Hà,
Rõ ràng tiếng tốt,
Tiên tổ qua đời
Cháu con nối gót,
Bốn mươi chín động,
Đúng mười lăm đời.
Non sông giữ vững,
Nhân ái giúp thời.
Phía nam Hãn Lộc,
Phía bắc Mẫu Cung.
Đất không bụi bặm,
Hơi núi mịt mùng,
Người giỏi ra đời,
Đạo thời thống nhất.
Công đức tạc bia
Như non khôn mất".
(Đỗ Văn Hỷ dịch)
Mùa đông Đinh Hợi năm nay (2007) vừa tròn 900 năm trên mảnh đất Chiêm Hoá, châu Vị Long xưa có một ngôi chùa lớn đã được thành lập cùng tấm bia đá có bài văn nổi tiếng của vị Triều thỉnh đại phu, Thượng thư viên ngoại lang Lý Thừa Ân soạn, bày tỏ niềm tự hào về tinh thần và ý chí của vị quan Thái bảo Hà Hưng Tông và dòng họ trước nghĩa vụ với vua cha và vận mệnh của quê hương đất nước.
Một sự tình cờ hay hữu ý, 900 năm sau cũng tháng năm xưa, trên mảnh đất này, nhân dân Chiêm Hoá cùng Bảo tàng Tuyên Quang - Sở Văn hoá thông tin tỉnh Tuyên Quang đang triển khai chương trình tái lập lại ngôi chùa lịch sử trên mảnh đất với bề dày lịch sử có truyền thống gắn kết cộng đồng từng tạo nên sức mạnh giữ trọn niềm tin cho Tổ quốc. Có thể nói chính sách đoàn kết dân tộc, việc phát huy tư tưởng trung quân ái quốc cùng với đạo Phật là những nhân tố làm nên sức mạnh để bảo vệ và xây dựng đất nước của vương triều nhà Lý. Đọc văn bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, khiến ta liên tưởng tới hai câu cuối trong bài từ Đền Hạ:
"Nguy nga thiên cổ miếu
Quốc tộ tại tâm dân."
Nghĩa là:
"Ngàn năm sừng sững miếu
Vận nước ở lòng dân."
(Trần Mạnh Tiến dịch)
Ta càng thấy rõ sự nhất quán về tầm nhìn của cha ông xưa về vận nước và lòng dân ở mọi thời đại. Lòng dân, vận nước và văn hiến là những nhân tố quyết định sự tồn tại của một quốc gia dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta”. Và trong khi vận nước gian nan người vẫn khảng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi là một kỷ vật thiêng liêng cho hậu thế soi mình.
Theo: PGS. TS Trần Mạnh Tiến (Báo TQĐT)
Hai dòng họ Hà và họ Ma nối tiếp nhau cai quản qua nhiều thế kỷ. Nơi có cộng đồng nhiều dân tộc thiểu số sống hòa hợp từ lâu đời, đã tạo nên một truyền thống văn hoá có bản sắc riêng. Đây là vùng đất lam sơn thủy tú có vị thế quốc phòng quan trọng để lại dấu ấn không phai mờ trong sử sách. Các vương triều coi Tuyên Quang là vùng phên dậu thứ ba của đất nước và những vị tù trưởng được xem là “nanh vuốt” của triều đình. Trong các di sản còn lại phải kể đến bài văn bia chữ Hán được khắc trên một tấm bia đá cách đây vừa trọn 900 năm (1107-2007), nhan đề là Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi (văn bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc). Có thể xem đây là bảo vật văn hiến của đất nước, giúp thế hệ hậu sinh hiểu rõ hơn về tâm hồn tư tưởng của cha ông trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước hàng nghìn năm trước.
Năm 1961, nhân dân đã phát hiện tấm bia đá này ở chân núi Đan Hán, thuộc xã Yên Nguyên, phía tây nam huyện Chiêm Hoá, gần xã Bình Xa, huyện Hàm Yên. Văn bia đã được tác giả Đỗ Văn Hỷ dịch và hai tác giả Thạch Can, Văn Tân hiệu đính. Đây là một bản dịch hay, nhưng nếu có dịp đi sâu vào nguyên tác ta thấy còn tàng ẩn nhiều nghĩa lý sâu xa hơn nữa. Tác giả văn bia là Lý Thừa Ân (? - ?), quê quán chưa rõ, sống vào khoảng cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII. Ông làm quan đến chức Triều thỉnh đại phu, Đông thượng cáp môn hậu, Thượng thư viên ngoại lang. Năm Nhâm Tý (1132) được vua cử đi sứ nhà Tống. Văn bia này do tác giả soạn với sự chỉ đạo của quan Thái phó Hà Hưng Tông, cách đây vừa 9 thế kỷ.
Nội dung văn bia viết về Hà Hưng Tông và lược thuật về công đức của dòng tộc họ Hà qua 15 đời, cùng mối quan hệ mật thiết của họ với vương triều nhà Lý và công việc kiến thiết văn hoá của vị Thái phó này. Điều đáng chú ý nhan đề văn bia “Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi”, ngoài ý nghĩa định danh ngôi chùa còn tàng ẩn trong 4 chữ Bảo Ninh Sùng Phúc cái nghĩa lý sâu xa về đạo lý và nghĩa vụ với Tổ quốc, với vua cha của người lập chùa, tức là gìn giữ sự bình yên cho phúc cao, hoặc xa hơn có thể ngầm hiểu: Gìn giữ yên bình cho phúc lớn, cho vận nước. Mở đầu bài văn giới thiệu trọng trách và quyền lợi của Hà Hưng Tông: “Quan coi châu Vị Long, tước Phò Kỳ Lang, Đô tri tả vũ đệ đại tướng quân, kim tử quang lộc đại phu, kiểm hiệu thái phó, đồng trung thư môn hạ bình chương sự, kiêm quản nội khuyến nông sự, thượng trụ quốc; ăn lộc phong ấp ba nghìn chín trăm hộ, ăn lộc thực phong chín trăm hộ.” Tiếp theo là những quan niệm của đạo Phật và những triết lý từ Phật pháp như: chân không, diệu hữu, hữu hình, thực và quyền, thường - lạc, hồi hướng, sa giới, trúc càn vv… Sau đó là tiểu sử dòng tộc: Thái phó Hà Hưng Tông có thủy tổ từ châu Ung; cao tổ là Hà Đắc Trọng, sau tám đời dòng họ có hai đời được giữ hai chức vị lớn Thái bảo và Thái phó, nối đời hưng thịnh, cai quản 49 động, 15 huyện, giành được nhân hoà; người ông làm phò mã của Lý Công Uẩn được trao tước Hữu đại liêu ban. Rồi việc cha Hưng Tông lấy con Thái thú châu Phú Nghĩa họ Lý, sinh Hưng Tông là con thứ tư được nuôi dạy công phu. Sự kiện cha Hưng Tông “đem quân đánh sang ải Bắc, vây thành Ung Châu cho bõ giận; bắt tướng giặc dâng tù binh, được nhà vua thăng chức Hữu đại liêu ban đoàn luyện sử. Thuế thu chín lấy một, thóc lúa đầy kho, khách khứa ba nghìn, cửa nhà như chợ”. Qua đây cho thấy Hà Hưng Tông sinh ra trong một dòng tộc có thế lực lớn và quan hệ mật thiết với vương triều nhà Lý. Về lịch sử chắc hẳn Lý Thường Kiệt đã phối hợp với thân phụ của Hưng Tông chủ động đánh tan mưu đồ xâm lược của quân Nam Tống phía bên kia biên giới, đem lại thái bình cho đất nước.
Năm lên 10 tuổi, Hưng Tông được nhà vua đón về triều, rồi cho kết duyên với công chúa Khâm Thánh và phong cho chức Tả đại liêu ban. Khi Hưng Tông 14 tuổi (1082) “vua tiễn đưa công chúa về nhà chồng tại bản châu”, trong quang cảnh: “Nhà vua mở tiệc mừng long trọng. Thái phó sắm đủ lễ đón dâu. Mọi lễ trang hoàng, dân chúng xem đông như hội; trên ngôi cao qúy. Chị em phù đỡ như mây…”. Năm 17 tuổi, cha mẹ Hưng Tông đều mất. Năm 18 tuổi “nhà vua xuống chiếu cho Thái phó được nối chức cha, vẫn giữ chức cũ là Tả đại liêu ban, kiêm thêm chức Tri châu Vị Long châu thú tiết độ sứ, Kim tử Quang Lộc đại phu, kiêm hiệu Thái phó. Thế là được dự chính sự bắt đầu từ cụ tằng tổ, lần lượt thay nhau, cho đến Hưng Tông tất cả mười lăm đời. Ôi! Gặp thời thay!”. Rõ ràng đây là một vị thủ lĩnh giành được sự ưu ái tuyệt đối của vua cha.
Những suy nghĩ và việc làm của vị Thái phó này còn được diễn tả: “Dựng nước đường vua bằng phẳng; giáo hóa tục dân thấm nhuần. Hoặc việc nước có điều chưa trọn, thì suy đi nghĩ lại không thôi: Xét thói xưa có chỗ đáng tin, thì tạc dạ ghi lòng nào bỏ. Vườn văn rừng phú, sưu tập khắp nơi; cửa lễ đường nhân, dạo chơi đủ chốn. Điều “tín” là ở nơi bạn bè thì thiết tha ân cần; chữ “hiếu” là thờ cúng tổ tiên thì chăm chăm kính cẩn”. Qua đó cho thấy Hà Hưng Tông là một vị thủ lĩnh sáng suốt có tài trí, học vấn, quảng giao hào phóng và có nhân tâm, hội đủ các nhân tố: Thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Đồng thời ông cũng là một con người có tầm văn hoá, biết nhìn xa trông rộng, quan tâm sâu sắc tới cái thiện và cái đẹp muốn chia sẻ vinh hoa phú quí với muôn dân: “Ôi! Giữ điều vinh làm báu, sợ vui hết sinh buồn; mang trong túi hạt châu, e được rồi lại mất. Muốn hưởng phúc thuần, tất phải ham đạo Phật. Cho nên cuối mùa năm Đinh Hợi niên hiệu Long Phù Nguyên Hóa (1107), Thái phó dắt dẫn hương lão, xem xét ở góc quận, cắm miếng đất phía nam Hãn Lộc liền dải bắc Mẫu Cung, cùng đem rừu búa, phát xén rừng cây. Rồi sai thợ giỏi, xây dựng đền đài…” Hình tượng quang cảnh kiến thiết ngôi chùa Bảo Ninh Sùng Phúc được miêu tả sống động: “Đẽo gỗ rừng chan chát, chuyển quang sọt rộn ràng. Xà uốn cong cong, ngỡ cầu vồng bắc nhịp; mái hiên xòe cánh như chim chóc tung bay… Tượng vàng đặt giữa, khác nào Ngũ tịnh thiên. Hương trầm nghi ngút, bốc tới trời mây, chuông khánh hài hoà, vang xa hang động. Hoa thông tươi tốt, chiếm mãi gió từ; già trẻ quy y, bỏ xa nhà lửa.” Hình tượng ngôi chùa như một biểu tượng cao đẹp, thiêng liêng hạnh phúc giữa đại ngàn là nơi hội tụ lòng dân và sự sống tươi vui. Sau đó là lời chúc cho sự vững bền của vua cha rồi đến quận quân và tiên tổ.
Cuối bài văn là một bài từ hàm súc viết theo thể tứ tự, khái quát về quan niệm đạo Phật, ngợi ca công đức và truyền thống nhân ái của dòng tộc họ Hà trong lich sử và vị trí linh thiêng cao đẹp của nơi thờ vọng, bằng những câu sau:
“…Rằng xưa Phật tổ,
Dắt dạy quần sinh.
Không vương không mắc,
Có duyên có tình.
Chân tính sáng suốt,
Căn tuệ vững bền,
Ngói xanh lại lớp,
Cõi vàng rung lên.
Lớn thay họ Hà,
Rõ ràng tiếng tốt,
Tiên tổ qua đời
Cháu con nối gót,
Bốn mươi chín động,
Đúng mười lăm đời.
Non sông giữ vững,
Nhân ái giúp thời.
Phía nam Hãn Lộc,
Phía bắc Mẫu Cung.
Đất không bụi bặm,
Hơi núi mịt mùng,
Người giỏi ra đời,
Đạo thời thống nhất.
Công đức tạc bia
Như non khôn mất".
(Đỗ Văn Hỷ dịch)
Mùa đông Đinh Hợi năm nay (2007) vừa tròn 900 năm trên mảnh đất Chiêm Hoá, châu Vị Long xưa có một ngôi chùa lớn đã được thành lập cùng tấm bia đá có bài văn nổi tiếng của vị Triều thỉnh đại phu, Thượng thư viên ngoại lang Lý Thừa Ân soạn, bày tỏ niềm tự hào về tinh thần và ý chí của vị quan Thái bảo Hà Hưng Tông và dòng họ trước nghĩa vụ với vua cha và vận mệnh của quê hương đất nước.
Một sự tình cờ hay hữu ý, 900 năm sau cũng tháng năm xưa, trên mảnh đất này, nhân dân Chiêm Hoá cùng Bảo tàng Tuyên Quang - Sở Văn hoá thông tin tỉnh Tuyên Quang đang triển khai chương trình tái lập lại ngôi chùa lịch sử trên mảnh đất với bề dày lịch sử có truyền thống gắn kết cộng đồng từng tạo nên sức mạnh giữ trọn niềm tin cho Tổ quốc. Có thể nói chính sách đoàn kết dân tộc, việc phát huy tư tưởng trung quân ái quốc cùng với đạo Phật là những nhân tố làm nên sức mạnh để bảo vệ và xây dựng đất nước của vương triều nhà Lý. Đọc văn bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, khiến ta liên tưởng tới hai câu cuối trong bài từ Đền Hạ:
"Nguy nga thiên cổ miếu
Quốc tộ tại tâm dân."
Nghĩa là:
"Ngàn năm sừng sững miếu
Vận nước ở lòng dân."
(Trần Mạnh Tiến dịch)
Ta càng thấy rõ sự nhất quán về tầm nhìn của cha ông xưa về vận nước và lòng dân ở mọi thời đại. Lòng dân, vận nước và văn hiến là những nhân tố quyết định sự tồn tại của một quốc gia dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta”. Và trong khi vận nước gian nan người vẫn khảng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi là một kỷ vật thiêng liêng cho hậu thế soi mình.
Theo: PGS. TS Trần Mạnh Tiến (Báo TQĐT)