Hà Công Trình
Hà Công Trình (1434 -1511) sinh tại làng Đông Rạng, xã Đông Tỉnh, huyện Thiên Lộc, tỉnh Nghệ An (nay là xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Năm Bính Tuất niên hiệu Quang Thuận thứ 7 (1466), đời vua Lê Thánh Tông, ông thi đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ. Ban đầu ông nhận một chức quan huyện, sau nhờ tài năng, đức độ, được thăng đến thượng thư (tương đương bộ trưởng) lần lượt ở các bộ Binh, Hình, Công; Nhập thị Kinh Diên (giảng kinh sách cho vua) và kiêm chức Tế tửu (hiệu trưởng) Quốc Tử Giám.
“Hòn đá tỉnh thức”
Tuy ở nhiều cương vị khác nhau, tế tửu Hà Công Trình là người luôn nặng lòng với công việc giáo dục. Ông thường nói với học trò người có kiến thức không chỉ tạo dựng được cuộc sống sung túc, mà còn làm cho trí sáng, lòng ngay. Người có tri thức như được sống trong một thế giới khác với thực tại- thế giới của niềm vui, an nhiên tự tại vì ý thức, làm chủ được cuộc sống của mình. Nhờ được học hành, con người vượt qua cuộc sống vật chất tầm thường mà hướng đến những điều cao đẹp. Đất nước có nền dân trí cao thì sẽ hòa bình và giàu mạnh. Tuy nhiên, để mọi người dân đều có ý thức và tự giác học hành là việc khó. Do cuộc sống chân lấm tay bùn quanh năm và nhận thức hạn hẹp, người dân chưa thấy tầm quan trọng của việc học.
Vậy làm thế nào để “bọn dân đen” chăm lo sự học? Tế tửu Hà Công Trình bèn nghĩ ra một kế. Đó là năm 1497, nhân Lê Hiến Tông lên ngôi vua, điều Tế tửu Hà Công Trình vào cung làm nhiệm vụ giảng kinh sách. Lê Hiến Tông là vị vua thông minh, quan tâm đến giáo dục, lại dễ gần gũi. Sau các buổi thiết triều, vua thường dành thời gian hỏi han, trò chuyện với các quan hết sức thân mật, vui vẻ. Một hôm, sau khi giảng kinh sách cho vua, nhân vua đang lúc vui vẻ Tế tửu họ Hà liền xin kể câu chuyện về con đường học hành của mình. Vua chú ý lắng nghe. Hà Công Trình thưa: “Thưở nhỏ, thần vốn người ham chơi, không thích học hành. Một hôm đi câu cá về khuya ngang tảng đá đầu làng, mệt quá định leo lên nằm nghỉ một lát, không ngờ thiếp đi lúc nào không hay. Trong mơ, thần thấy có người râu tóc bạc phơ hiện ra rầy la sao cứ ham chơi mà không lo học, phí cả cái tài. Tỉnh dậy, thần hối hận, từ đó quyết bỏ tật ham chơi, rượu chè, tu chí học hành mà được như hôm nay”. Vua khen chuyện hay, có ý nghĩa răn dạy đời sau. Ông nhân đó thưa luôn: “Muốn nước mạnh dân giàu thì người người phải được học nhưng than ôi người thời nay thích ham chơi hon ham học. Bởi vậy, nhân chuyện trên kính tâu bệ hạ cho đổi tên làng từ Đông Tỉnh sang Tỉnh Thạch (hòn đá thức tỉnh) để qua đó khuyến khích người dân đi học”. Vua chuẩn y ngay ý nguyện tốt đẹp của ông.
Ông tổ học họ Hà
Câu chuyện “hòn đá thức tỉnh” lan truyền nhanh, góp phần hình thành ý thức coi trọng việc học trong nhân dân. Ngày nay, người dân xã Tùng Lộc rất tự hào khi nói về truyền thống hiếu học của địa phương. Điều thú vị là “hòn đá thức tỉnh” nay vẫn còn, được người dân đặt tại nhà thờ tổ họ Hà như một minh chứng đây là chuyện có thật.
Nhờ câu chuyện “hòa đá thức tỉnh”, việc vận động người dân đi học có nhiều thuận lợi hơn. Không chỉ tại Hà Tĩnh quê ông, mà ngay ở kinh thành Thăng Long câu chuyện cũng có tác động rất lớn. Số họ trò đi học tại các huyện, phủ tăng nhanh thấy rõ. Điều này chỉ có thể giải thích là ông đã khéo léo đánh vào lòng tin của người dân. Xem lại lịch sử, vào giai đoạn này nhà Hậu Lê đạt sự cực thịnh về mọi mặt, đời sống yên vui, giáo dục được chú trọng đúng mức và có bước phát triển nhanh. Rõ ràng trong sự phát triển ấy có sự đóng góp của Tế tửu Hà Công Trình.
Trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt có tục thờ cúng tổ nghề. Tổ nghề được hiểu là người đầu tiên có công lập ra và phát triển một nghề nào đó. Tế tửu Hà Công Trình được coi là ông tổ học họ Hà trên cả nước. Và xã Tùng Lộc quê hương của ông được coi là quê gốc họ Hà ở Hà Tĩnh.
Tự hào truyền thống hiếu học
Câu chuyện “hòn đá thức tỉnh” và người có công dấy lên phong trào khuyến học đến nay đã hơn 500 năm, mọi chuyện đã lâu ngỡ như trôi vào quên lãng, chìm dưới lớp bụi thời gian không còn ai nhớ. Nhưng không, con cháu họ Hà ngày nay vẫn còn nhớ công ơn ông. Đối với người dân quê hương ông, để có được cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay là nhờ có sự đóng góp không nhỏ của Tế tửu họ Hà. Đặc biệt, truyền thống hiếu học của địa phương không mai một đi mà ngày càng mạnh mẽ hơn. Điều này rất có ý nghĩa trong thời kỳ đất nước đang tiến tới xây dựng nền kinh tế tri thức.
Năm 2011, tại xã Tùng Lộc, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tình Hà Tĩnh và UBND huyện Can Lộc đã phối hợp tổ chức lễ kỷ niệm 500 năm ngày mất của Tế tửu Hà Công Trình (1511- 2011). Cũng nhân dịp này, chính quyền địa phương và dòng tộc họ Hà đã tổ chức khánh thành giai đoạn 1 công trình tu bổ, nâng cấp khu lăng mộ của Tế tửu Hà Công Trình.
Năm 1504, Tế tửu Hà Công Trình về trí sĩ và mở trường dạy học tại quê nhà. Học trò xa gần đến xin học rất đông. Ông tạ thế vào ngày 19 tháng giêng năm Tân Mùi (1511), hưởng thọ 78 tuổi. Cuộc đời làm quan của ông nổi tiếng về sự thanh liêm. Lịch sử xếp ông vào loại danh thần, danh sĩ triều Lê, lưu tên trên bia tiến sĩ và trong danh sách các Tế tửu Quốc Tử Giám.
Quang Ân